Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực NH. Trong khi đó, nhiều công ty fintech cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng (P2P Lending) cho biết đang "ngóng" nghị định được ban hành vì lĩnh vực này thiếu khung pháp lý rõ ràng khiến thị trường nhập nhằng, tín dụng đen núp bóng cho vay qua app tung hoành khắp nơi.
Gặp khó vì thiếu khung pháp lý
Thực tế, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, công an các địa phương đã xóa sổ hàng chục app cho vay kiểu tín dụng đen với lãi suất cao, đòi nợ khủng bố. Công an TP HCM đã nhiều lần cảnh báo những thủ đoạn tinh vi của tín dụng đang núp bóng cho vay tiền qua app với những lời quảng cáo như: không cần thế chấp, không cần chứng minh thu nhập, giải ngân nhanh chóng… trong khi lại nhập nhèm về lãi suất và các loại phí hoặc người vay phải đồng ý để các ứng dụng này truy cập danh bạ điện thoại, hình ảnh cá nhân, các thu thập thông tin cá nhân mới được giải ngân. Trong khi đó, các công ty fintech cho vay chân chính bị vạ lây, bị hiểu lầm là tín dụng đen… vì thiếu khung pháp lý rõ ràng.
Việc chưa có những quy định pháp lý rõ ràng nên người có nhu cầu vay tiền rất khó phân biệt đâu là app cho vay được cấp phép, đâu là tín dụng đen núp bóng .
Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Đỗ Minh Hải, Tổng Giám đốc Công ty ATM Online, cho biết công ty cung cấp những khoản vay nhỏ từ 2 triệu đến 20 triệu đồng qua kênh trực tuyến. Người vay là những khách hàng dưới chuẩn của các NH, công ty tài chính, những người chưa hoặc ít được tiếp cận sản phẩm dịch vụ tài chính, người sống ở khu vực nông thôn, người có thu nhập thấp.
"Hoạt động hỗ trợ tài chính cho phân khúc khách hàng này nằm trong chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Nhưng đến nay, khung pháp lý cho hoạt động cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ vẫn chưa được ban hành trong bất kỳ văn bản nào (trừ hoạt động fintech trong lĩnh vực trung gian thanh toán được NHNN quy định tại một số văn bản). Hoạt động fintech cũng chưa được quy định tương ứng với mô hình doanh nghiệp (DN) nào trong Luật DN và cũng chưa được phân loại ngành nghề kinh doanh theo Luật Đầu tư" - ông Hải dẫn chứng.
Ngay trong danh mục hệ thống mã ngành kinh tế theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg tháng 7-2018 về ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam cũng không liệt kê mã ngành đối với các ngành nghề thuộc lĩnh vực fintech. Các hoạt động fintech đang phát triển phổ biến tại một số quốc gia trên thế giới như cho vay ngang hàng, ứng dụng công nghệ blockchain… đều đã xuất hiện ở Việt Nam nhưng chưa có quy định pháp lý chính thức.
Ông Purtov Kirill - Giám đốc Công ty Lendtop, chủ sở hữu nền tảng cho vay MoneyCat - cũng nhận định tín dụng tiêu dùng là hoạt động không thể thiếu và là kênh hỗ trợ hiệu quả vì rất nhiều người có nhu cầu vay vốn để chi dùng trong ngắn hạn. Năm 2022, cho vay tiêu dùng tăng 21,9% so với năm 2021 cho thấy nhu cầu của thị trường rất lớn.
Trong khi đó, Nghị định về cơ chế cho vay có thử nghiệm dành cho fintech trong lĩnh vực NH dù đã lấy ý kiến góp ý được một thời gian nhưng vẫn chưa có thông tin chính thức về việc ban hành. Điều này đang gây nhiều khó khăn cho những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực fintech như Lendtop.
"Vừa qua, một số công ty hoạt động cho vay có đăng ký kinh doanh cũng bị cơ quan công an kiểm tra, tác động tiêu cực tới hình ảnh của DN, thậm chí bị hiểu lầm là tín dụng đen. Hoạt động thu hồi nợ của DN cho vay nghiêm túc gặp khó khi khách hàng không chịu trả nợ; thậm chí các công ty fintech không có sự bảo vệ nào trước những đối tượng lừa đảo" - ông Purtov Kirill nói.
Tạo sân chơi bình đẳng
Tổng giám đốc một công ty cho vay trực tuyến cho biết hàng triệu người có nhu cầu vay vốn nhưng chưa tiếp cận được các kênh tín dụng chính thức từ NH, công ty tài chính vì không đủ chuẩn. Họ thường tìm đến các công ty fintech, P2P Lending và cả tín dụng đen để vay. Nếu không có khung pháp lý đối với hoạt động cho vay trực tuyến thì rất khó để khách hàng phân biệt đâu là DN được cấp phép và đâu là tín dụng đen núp bóng.
Thực tế, nhiều nước phát triển đã xây dựng những quy tắc chung cho toàn bộ thị trường nhằm giảm tín dụng đen, bao gồm việc xây dựng khung pháp lý như sandbox cho fintech trong lĩnh vực NH. Ông Đỗ Minh Hải kiến nghị sớm ban hành nghị định cho sandbox để tạo điều kiện thuận lợi các công ty fintech hoạt động, giúp mọi người có thể tiếp cận đầy đủ dịch vụ tài chính có chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn, điều kiện của khách hàng.
"Đồng thời, nên có quy định bắt buộc các công ty fintech phải được chứng nhận và sử dụng dịch vụ của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) để ngăn ngừa trường hợp khách hàng bị quá tải với các khoản vay, tức là một người vay nhiều khoản cùng lúc tại các đơn vị khác nhau" - ông Purtov Kirill kiến nghị.
Cũng liên quan sự cần thiết có quy định sandbox cho fintech, nhóm chuyên gia Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP HCM đã có nghiên cứu về chủ đề này. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Trần Huỳnh Sơn, đại diện nhóm nghiên cứu, cho hay tại Việt Nam, sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính như cho vay ngang hàng, mô hình thanh toán mới… đều chưa có quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh.
Dự thảo Nghị định sandbox đối với fintech tại Việt Nam chỉ mới hướng đến những giải pháp fintech trong lĩnh vực NH như cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ; chấm điểm tín dụng; cho vay ngang hàng… trong khi các giải pháp fintech có thể liên quan nhiều hoạt động khác như chứng khoán, bảo hiểm chưa được tính đến.
Dự thảo cũng chưa có cơ chế khuyến khích các công ty fintech tham gia thử nghiệm và những đơn vị không tham gia, như nếu fintech không tham gia cơ chế thử nghiệm sẽ bị giới hạn hoạt động hoặc việc xin phép hoạt động chính thức sẽ bị kéo dài, tiêu chuẩn đánh giá khắt khe hơn… "Cần có một khuôn khổ chính sách chung về sandbox cho các lĩnh vực. Điều này sẽ giúp DN tiết kiệm thời gian khi xin phép thử nghiệm và các cơ quan quản lý không mất thời gian để thiết lập khuôn khổ pháp lý" - PGS-TS Trần Hùng Sơn nêu quan điểm.
LINH ANH